Thánh địa Mỹ Sơn – Di sản thế giới tân thời và hiện đại

1861

Thánh địa Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tân thời và hiện đại cũng là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách về lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo.

1. Cách di chuyển đến Thánh địa Mỹ Sơn

Để tới được thánh địa Mỹ Sơn có rất nhiều phương tiện và hình thức để đi song do khoảng cách không quá lớn nên xe bus và xe máy được ưu ái lựa chọn hơn cả.

Xe bus từ Đà Nẵng đi Mỹ Sơn

Bạn có thể bắt tuyến xe bus số 06 để đi từ Đà Nẵng tới Mỹ Sơn theo thông tin lộ trình cụ thể như sau:

  • Độ dài tuyến: Đà Nẵng – Mỹ Sơn khoảng trên 60km
  • Thời gian hoạt động: Từ 5h30 sáng đến 17h chiều hàng ngày với lịch trình 30 phút/chuyến.
  • Lộ trình: Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng – Điện Biên Phủ- Lê Duẩn- Hoàng Hoa Thám – Hàm Nghi – Lê Đình Lý – Nguyễn Tri Phương – Trưng Nữ Vương – Duy Tân – Núi Thành – Cánh Mạng tháng Tám – Hoà Cầm – Quốc lộ 1A – Tỉnh lộ 610- Mỹ Sơn.
  • Tổng số trạm đón khách: 50 điểm.
  • Giá vé: Tùy thuộc theo tuyến đi của du khách dao động từ 8.000 – 30.000 đồng/lượt

Đường đi từ Đà Nẵng tới thánh địa Mỹ Sơn

Cách 1: Từ đường quốc lộ 1 đi theo hướng Nam đến thị trấn Nam Phước (khoảng 39km), sau đó đi theo hướng Tây trên tuyến đường 537 khoảng 9km nữa là đến Trà Kiệu. Từ Trà Kiệu bạn di chuyển thêm 12km khi nào tới ngã ba rẽ trái theo bảng chỉ dẫn thì đi thêm 9km là tới Mỹ Sơn. Từ Mỹ Sơn bạn di chuyển một đoạn ngắn đường núi chỉ khoảng 5 phút rồi đi bộ men theo con đường đá dẫn vào khu di tích thánh địa Mỹ Sơn.

Cách 2: Từ cầu vượt Hòa Cầm – Quốc lộ 14B – trường Nguyễn Trãi – rẽ trái đi thẳng đến bến đò Kiểm Lâm – qua đò đi theo tuyến đường 537 ngược về hướng Nam Phước khoảng 1 km sẽ có bảng chỉ dẫn vào Mỹ Sơn rồi bạn lại tiếp tục di chuyển theo cách hướng dẫn 1 là tới thánh địa Mỹ Sơn.

Lưu ý: Cách 2 này tiết kiệm thời gian khoảng 30 phút so với cách 1, tuy nhiên đường đi khá lòng vòng và xấu hơn cách 1.

Thánh địa Mỹ Sơn - Di sản thế giới tân thời và hiện đại
Thánh địa Mỹ Sơn – Di sản thế giới tân thời và hiện đại

2. Lịch sử – Văn hóa của Thánh địa Mỹ Sơn

Vào thế kỷ thứ IV, dưới vương triều Bhadravaman thung lũng Mỹ Sơn (nay thuộc xã Duy Phú – Duy Xuyên – Quảng Nam) được chọn làm thánh đô – trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng của vương quốc Chămpa.

Thung lũng này có đường kính khoảng 2km, được bao bọc bởi các dãy núi cao. Gồm núi thiêng Mahaparvata hay thần Siva nằm về phía Nam. Núi Kucaka ở phía Tây. Núi Subala ở phía Đông. Dòng suối khởi nguồn từ ngọn núi thiêng chảy về hướng Bắc nối với sông Thu Bồn, tiếng Phạn là Mahanadi, hay nữ thần Ganga vợ của thần Siva.

Địa điểm thung lũng nằm về phía Tây kinh thành Simhapura (Trà Kiệu) – trung tâm quyền lực, vùng cửa biển Đại Chiêm (Hội An) – trung tâm thương mại- Cù Lao Chàm án ngữ phía Đông. Phức hệ đất thiêng, núi thiêng, thành phố thiêng, cửa biển thiêng là phức hệ quan trọng trong việc hình thành và phát triển của Mỹ Sơn cũng như của tiểu quốc Amaravati (vùng Quảng Nam ngày nay).

Mỹ Sơn là nơi xây dựng đền thờ, hành lễ, thờ tự. Nơi xác nhận với thần linh về sự trị vì của các đời vua Chăm. Nơi đền tháp được dựng lên để tưởng nhớ những chiến thắng và những cuộc chinh phục vĩ đại, đồng thời cũng là nơi các vị vua sau khi chết, linh hồn họ được quy tụ với các bật thánh thần của đạo Hindu, đặc biệt là thần Siva (đấng toàn năng), được coi là người sáng lập ra vương quốc Chămpa.

Đương thời, tín ngưỡng thần Siva – đấng sáng tạo và hủy diệt của Ấn Độ giáo được hợp nhất với vua để thờ tự tại Mỹ Sơn. Ngôi đền đầu tiên được dựng bằng gỗ, thờ thần – vua Bhadresvara. Vào khoảng giữa những năm 529 – 577, ngôi đền này không may bị hỏa hoạn.

Chữ viết, kiến trúc còn lại cho thấy vào thế kỷ thứ VII Mỹ Sơn, vua Sambhuvarman đã phục hồi lại ngôi đền đầu tiên. Từ đó về sau, các vị vua sau khi lên ngôi đều cho xây dựng ở Mỹ Sơn những đền tháp mới hoặc tu bổ lại các ngôi đền cũ bị thời gian và chiến tranh hủy hoại. Vì vậy, Mỹ Sơn dần phát triển thành thánh địa của cả vương quốc.

Năm 653, Prakasadharma lên ngôi đã xây nhiều đền thờ tại Mỹ Sơn, cúng dâng nhiều đất đai, của cải cho thần Srisambhubhadresvara. Ông là người dựng nên ngôi đền thờ thần Kuvera (Tài lộc) tại Mỹ Sơn.

Cuối thế kỷ IX đạo Phật phát triển mạnh và trở thành quốc giáo. Sang đầu thế kỷ thứ X, Siva giáo được phục hưng, trong vương quyền đạo Phật mất dần vai trò. Thánh địa Mỹ Sơn được phục hồi lại. Các đền tháp cũ được tu bổ, hàng loạt thánh đường mới được xây dựng làm Mỹ Sơn có một bộ mặt mới. Đây là giai đoạn các công trình kiến trúc phát triển liên tục mà số lượng còn nhiều ở Mỹ Sơn. Nhưng các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XI xảy ra giữa Chămpa với các quốc gia lâng bang đã tàn phá vương quốc Chămpa và các đền tháp ở khu vực Mỹ Sơn. 

Các vua sau đó chỉ cúng của cải và đồ tế tự. Vua Harivarman V và Giaya Indravarman III có xây thêm những đền tháp nhỏ ở Mỹ Sơn. Đến năm 1149, Giaya Harivarman I lên ngôi lập kinh đô mới ở ViJaya ( Đồ Bàn, Bình Định) nhưng cũng cho tu bổ các thánh đường và dựng hai ngôi đền lớn ở Mỹ Sơn. Vị vua tiếp nối Indravarman IV không xây dựng nhiều nhưng dâng vàng bạc trang điểm dát lên mái các đền tháp. Số lượng kim loại quý đã sử dụng lên tới 1.470 kg.

Năm 1234 đức vua Sri Jaya Paramesvaravaman II là vị vua cuối cùng có công trong việc tôn tạo Mỹ Sơn. Kể từ đó, những tài liệu về sau Mỹ Sơn không thấy được nhắc đến.

3. Kiến trúc của thánh địa Mỹ Sơn

Kiến trúc của thánh địa Mỹ Sơn
Kiến trúc của thánh địa Mỹ Sơn

Các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc chính thống của quốc gia và đều do các đời vua trị vì xây dựng, vì vậy có thể nói rằng đền tháp là nơi tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất , tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo. Hầu hết các phong cách kiến trúc đền tháp Chăm đều có mặt ở Mỹ Sơn và chính bản thân các đền tháp ở Mỹ Sơn lại tạo nên những tiêu chí cơ bản cho việc nhận diện phong cách kiến trúc nghệ thuật Chăm.

Trong số các dạng kiến trúc tháp Chăm, kiến trúc dạng quần thể thánh địa như Mỹ Sơn là độc đáo và hiếm có. Được bố trí theo cụm, từ hai hoặc nhiều tháp. Có tường bao, sân, đường đi nối các tháp với nhau. Mỗi tháp có mỗi chức năng riêng. Tập trung thành từng nhóm, trong đó đền thờ chính nằm ở giữa, mỗi nhóm đều được bao quanh bởi những bức tường khá dày cũng bằng gạch. Cửa chính của tháp chính phần lớn quay về hướng Đông là hướng về thần linh, hướng sinh. Tuy nhiên vẫn có một số tháp hướng về phía Tây thể hiện quan niệm của các vị vua Chăm pa muốn tìm hiểu về thế giới bên kia, thế giới không nhận biết được.

Trước mặt đền thờ chính (KaLan) là một tháp cổng (Gopura) với cấu trúc nhỏ của hai cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính, tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài (Mandapa) có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong các lễ cúng hiến cho thần linh. Xung quanh ngôi đền chính là các ngôi đền nhỏ hoặc các công trình phụ.

Phong phú nhất trong kho tàng văn hóa Chăm Mỹ Sơn là hệ thống tượng thần, tu sĩ, hoa văn trang trí, cỏ cây, muôn thú. Thiên nhiên vũ trụ là sự giao hòa, đồng nhất. Tất cả được sáng tạo tỉ mỉ, cần mẫn cùng với cấu trúc đền thờ, không gian hành lễ ghi dấu những nghi thức tôn giáo, thờ cúng, thấm đượm niềm sung kính thiêng liêngnhưng vẫn mang tính khoáng đạt vốn rất đặt trưng của tâm hồn Chămpa.

Hàng trăm tấm bia đá khắc đầy ký tự cổ là những tư liệu khảo cổ vô cùng quý giá.  Mỹ Sơn cuốn hút được nhiều du khách bởi nét trầm mặc rất riêng của mình. Trong từng viên gạch, từng tấm phù điêu vũ nữ đang say múa, từng ngôi tháp cổ đổ nát… tất cả như đang kể cho khách phương xa những câu chuyện về một thời kỳ rực rỡ đã qua.

Rực rỡ và thành công với mảng vật liệu nề, với kỹ thuật cao và hiện đại. Đền thờ đứng vững theo thời gian hàng ngàn năm. Biểu tượng cho một giai đoạn phát triển về mảng kiến trúc trong lịch sử xây dựng. Việc xử lí chất liệu thể hiện yếu tố kỹ mỹ thuật, những tính toán độ bền, kỹ thuật nung, tỉ lệ xây dựng, nền móng cho thấy bàn tay và khối óc tài hoa của người xưa.

Bài viết trên của tạp chí du lịch đã giới thiệu đến độc giả lịch sử, văn hóa và kiến trúc của Thánh Địa Mỹ Sơn hy vọng sẽ giúp các bạn có một chuyến đi chơi đáng nhớ nhé!