Khám phá kiến trúc kì lạ và loài dơi bí ẩn ở chùa Dơi Sóc Trăng

1390

Chùa Dơi Sóc Trăng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam vì những kiến trúc độc đáo và những câu chuyện bí ẩn về loài dơi.

1. Hướng dẫn đi Chùa Dơi Sóc Trăng

Từ trung tâm Sóc Trăng bạn có thể di chuyển theo hướng sau:

  • Bạn đi về hướng Nam khoảng 800m lên đường Hai Bà Trưng giao cắt với Trần Hưng Đạo, hay cũng là hướng về phía đường 30 tháng 4
  • Bạn di chuyển trên đường Trần Hưng Đạo khoảng 800m để tới vòng xuyến.
  • Tại vòng xuyến, đi theo lối ra thứ 2 vào Lê Hồng Phong bạn chạy thêm chừng 850 m
  • Rẽ phải vào Văn Ngọc Chính khoảng 1,0 km là tới được Chùa Dơi
Khám phá kiến trúc kì lạ và loài dơi bí ẩn ở chùa Dơi Sóc Trăng
Khám phá kiến trúc kì lạ và loài dơi bí ẩn ở chùa Dơi Sóc Trăng

2. Lịch sử và kiến trúc chùa Dơi Sóc Trăng

Chùa Dơi nằm ở trung tâm thành phố Sóc Trăng, thuộc khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Đông giáp khu dân cư, Tây giáp khu dân cư, Nam giáp đồng ruộng, Bắc giáp lộ Mai Thanh Thế tiếp giáp đường Lê Hồng Phong, thành phố Sóc Trăng. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI và có diện tích khoảng 04 ha. Tương truyền sau trận kháng cự lớn Mahatup, người Khmer xem vùng đất này là nơi để an cư lạc nghiệp, xây dựng nên nhiều chùa vì tin rằng đức Phật phổ độ chúng sinh sẽ giang tay che chở cho tất cả mọi người. Trải qua hơn 400 năm tồn tại, qua nhiều lần trùm tu, đến nay Chùa Dơi vẫn còn giữ nguyên nhiều giá trị cũng như bản sắc văn hóa của người Khmer thuở xưa.

Giống như các ngôi chùa Khmer khác của miền Tây Nam Bộ, dọc con sông Mekong trù phú, tổng thể kiến trúc chùa Dơi bao gồn có ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư – sãi, tín đồ, phòng ở, tháp để tro di cốt người chết, phòng khách…Trải qua 19 đời Đại Đức, chùa Dơi tồn tại và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của lịch sử. Tham quan chùa Dơi, du khách sẽ cảm nhận sự khác biệt trong văn hóa giữa người Khmer và người Kinh thông qua biểu tượng con rồng. Hình rồng chạm khắc trong chùa khá mảnh mai, đầu có sừng uốn lượn, thân rồng được thiết kế khá giống loài cá Poon – Co, không có chân, lưng có đao mác nhọn hướng về đuôi. Đỉnh mái của ngôi chùa được thiết kế chi tiết, tỉ mỉ với những con chim Cay – No, một loài chim dũng mãnh có khả năng chống đỡ cả bầu trời, che chở cho người dân.

Trên bệ thờ được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trang trí hoa văn hình chim muông, hoa lá giống như hoa văn tại các đình, chùa truyền thống khác của người Việt. Đặc biệt phía dưới bệ thờ ở hai bên tượng Phật có hai họa tiết hình con dơi đối xứng nhau. Trần chính điện được trang trí bằng những mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ đang múa trên bầu trời, làm tăng thêm phần sinh động và trang nghiêm cho nội thất.

Đối diện với ngôi chính điện về hướng Tây là dãy nhà Sa La, phòng của sư trụ trì, phòng khách và rải rác xung quanh ngôi chính điện là những tháp đựng cốt tro người chết, mỗi tháp mang dáng kiểu khác nhau. Qua đó, toàn bộ quần thể kiến trúc chùa Dơi hiện lên một cách hài hoà, làm chúng ta liên tưởng đó là cả một rừng hoa văn với những bố cục đối xứng, gọn gàng, những đường nét uyển chuyển đầy ấn tượng…

Ngoài những biểu tượng độc đáo này, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng các quần thể kiến trúc đẹp với nhiều tượng được đúc chạm tinh xảo, mang đậm dấu ấn tâm linh, đưa con người đến chân – thiện – mỹ.

3. Chuyện về loài dơi ở chùa Dơi Sóc Trăng

Điều thích thú nhất với du khách khi đến chùa Mã Tộc là được chiêm ngưỡng cảnh hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng như trái cây trên cành lá. Lúc cao điểm chùa thu hút tới hơn một triệu con dơi. Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Chúng chỉ đậu trên những tán cây trong khuôn viên chùa, tuyệt nhiên không đậu ở bên ngoài.

Dơi ở chùa chủ yếu là loài dơi quạ quý hiếm, có trọng lượng 1 – 1,5 kg và sải cánh rộng đến 1,5 m. Là giống dơi ăn quả và sống trong khu vườn xum xuê cây trái nhưng chúng không bao giờ ăn hoa quả ở trong chùa, mà thường bay đi rất xa để kiếm ăn.

Vì thế, khi hoàng hôn buông xuống, khung cảnh ở chùa rộn ràng khác lạ, với âm thanh náo động của bầy dơi vỗ cánh, gọi đàn đi kiếm ăn đêm. Kỳ lạ thay, chúng bay thành hàng và lượn vài vòng trên bầu trời khu vực chùa chứ không bao giờ bay thẳng qua nóc ngôi chính điện. Dù chưa thể giải thích vì sao nhưng nhiều người liên tưởng điều này giống như lời cầu khẩn đức Phật ban phước lành của bầy dơi trước khi đi.

Bài viết trên của tạp chí du lịch đã giới thiệu đến độc giả nhưng điều cần biết khi đến tham quan chùa Dơi Sóc Trăng hy vọng sẽ giúp các bạn có những trải nghiệm đáng nhớ nhé!