Chợ Bà Hoa nổi tiếng là thiên đường ẩm thực miền Trung với vô vàn món ăn chuẩn vị xứ Quảng. Đặc biệt là 3 món miền Trung để ăn vặt được tạp chí du lịch giới thiệu dưới đây nếu có cơ hội đến bạn tuyệt đối phải nếm thử nhé!
Chợ Phường 11 trước đây được gọi là chợ Bà Hoa. Vào năm 1967, người phụ nữ tên Hoa đã mua mảnh đất trống ở khu vực này và lập chợ cho người dân miền Trung buôn bán mưu sinh. Với những người miền Trung xa xứ ngôi chợ này là địa chỉ quen thuộc mỗi khi họ muốn tìm về một chút hương vị quê nhà.
Chợ Bà Hoa tuy nhỏ nhưng tấp nập khách ra vào, chợ hoạt động cả ngày nhưng đông nhất vẫn là buổi sáng, buổi chiều chợ bán các món ăn dân dã như bánh bèo, bánh xèo, bánh bột lọc, gỏi mít trộn, lòng xào nghệ…
Đến với ngôi chợ nhỏ này, người miền Trung xa quê cảm thấy ấm lòng như đang đứng giữa mảnh đất quê hương. Còn với người dân xứ khác họ sẽ tìm thấy nơi đây nhiều điều thú vị trong nếp ăn, nếp ở của cộng đồng người miền Trung thân thiện mà chất phác.
3 món miền Trung nổi bật trong chợ Bà Hoa:
Lòng xào nghệ
Nổi bật nhất trong những món Quảng Nam tại chợ Bà Hoa có lẽ là lòng xào nghệ. Chỉ cần đi ngang hàng ăn vặt ở góc chợ này, chẳng ai có thể kìm lòng mà không ngồi sà vào để nhấm nháp hương vị đặc sắc của đĩa lòng dai dai, béo béo đậm đà.
Công đoạn chế biến món đơn giản nhưng cũng công phu không kém. Bởi nếu xử lý không tốt, lòng già sẽ nặng mùi. Nghệ tươi cũng không được thái, mà phải giã càng nhuyễn càng tốt. Tiếp đến là việc xào các nguyên liệu cũng phải tuân theo một thứ tự nhất định. Đầu tiên là lòng già, nghệ tươi, ớt riêng hành tây và hẹ chỉ được cho vào chảo trước khi múc ra đĩa, dọn kèm cái bánh tráng nướng thơm giòn, chén nước mắm ớt cay, mặn.
Người ăn chỉ cần dùng bánh tráng, xúc một lúc tất cả các nguyên liệu rồi cảm nhận cái béo, vị mềm, dai của lòng, vị đắng, hăng, cay của nghệ tươi, hẹ, ớt, hành tây hòa quyện trong cái giòn thơm của bột gạo và mè. Mỗi phần ăn có giá tầm 30k – 50k tuỳ theo số lượng bạn gọi.
Mì Quảng
Mì Quản ở đây ó rất nhiều quầy hàng làm, cắt tại chỗ và bày bán cho khách. Mì đúng gốc Quảng có sợi trắng hoặc vàng, được làm từ bột nghệ chứ không dùng hóa chất hay phẩm màu. Cô Nga, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, có thâm niên gần 10 năm bán mì Quảng ở chợ nói rằng, không hiểu sao người Sài Gòn ăn mì Quảng như ăn bún bò, hủ tiếu. Nghĩa là họ yêu cầu rất nhiều nước lèo chứ không phải ăn khô nước như người Quảng.
Mít trộn
Sợi mít non vừa chín tới được luộc mềm rồi trộn cùng với tôm khô, rau răm, hành phi… tạo nên đĩa gỏi ăn chơi đầy kích thích. Rưới thêm nước mắm tỏi ớt để hoà quyện thêm chút mặn ngọt, cay the nữa là đã “quá đủ cho một cuộc tình”.
Vị ngọt bùi, béo béo cùng mùi thơm của hỗn hợp trộn thanh thanh, giòn giòn chắc chắn sẽ chinh phục mọi khẩu vị. Không quá cầu kì trong hình thức nhưng món gỏi mít trộn này đã níu giữ biết bao người Sài Gòn khi khám phá ẩm thực miền Trung tại ngôi chợ nhỏ này.