Quảng Trường Ba Đình – di tích lịch sử văn hóa niềm tự hào của Thủ Đô

855

Quảng Trường Ba Đình – trung tâm chính trị văn hóa, là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước cũng là nơi có quy hoạch, cảnh quan và quần thể kiến trúc đẹp nhất ở Hà Nội. Hãy cùng tìm hiểu quảng trường lớn nhất Việt Nam này nhé!

Quảng Trường Ba Đình - di tích lịch sử văn hóa niềm tự hào của Thủ Đô
Quảng Trường Ba Đình – di tích lịch sử văn hóa niềm tự hào của Thủ Đô

1. Lịch sử Quảng trường Ba Đình

Quảng trường Ba Đình ban đầu là một cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi sầm uất buôn bán với nhiều làng nghề. Năm 1894, khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã xây một vườn hoa nhỏ gọi là Quảng trường Tròn hay còn gọi là Quảng trường Pugininer.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng trường Tròn được đặt tên là Vườn hoa Ba Đình hay Quảng trường Ba Đình. Tại đây, ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), Phủ Toàn quyền Pháp đổi tên quảng trường là Vườn hoa Hồng Bàng. Năm 1954, quân ta về tiếp quản thủ đô và nơi đây lại được trả lại tên Quảng trường Ba Đình.

Tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 đặt tên. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình huyện Nga Sơn, Thanh Hoá vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Không chỉ là nơi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, đây còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử nước nhà. Từ sau ngày Thủ đô giải phóng, từ năm 1954 đến 1969 đây còn là nơi Bác Hồ sống và làm việc, nơi diễn ra những cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

2. Tham quan quảng trường Ba Đình

Quảng trường Ba Đình Là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đã đặt chân đến Hà Nội. Không chỉ thu hút du khách Việt mà ngay cả những khách du lịch nước ngoài cũng rất thích thú với điểm đến này. Càng nhuốm màu thời gian, quảng trường Ba Đình lại thêm màu huyền bí.

Nằm ngày trước lăng Bác uy nghiêm, quảng trường rộng lớn trải dài khiến bất kỳ người con Việt Nam đứng nơi đây cũng không khỏi bồi hồi xao xuyến. Một trải nghiệm nữa vô cùng tuyệt vời là thức dậy thật sớm chiêm ngưỡng cảnh kéo cờ lên ở giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nhìn lá cờ bay phấp phới ai cũng dâng trào cảm xúc.

Từ ngày 19/5/2001, nghi lễ chào cờ hàng ngày được bắt đầu vào lúc 6 giờ (mùa nóng từ 01/4 đến 31/10) và 6 giờ 30 (mùa lạnh từ 01/11 đến 31/3 năm sau) và Lễ hạ cờ diễn ra lúc 21 giờ.

Một điểm nhấn nữa mà các khách du lịch rất thích đó là gần 200 ô vuông cỏ xanh ngát rộng hàng ngàn mét vuông, xen giữa là lối đi rộng 1,4 m. Khu vực này có thể chứa được 20 vạn người, nếu may mắn bạn có thể được chiêm ngưỡng cảnh diễu hành của các anh lính gác lăng trong phục màu trắng đầy uy nghiêm.

Bên cạnh khu vực Quảng trường trung tâm là các công trình kiến trúc như:

  • Hội trường Ba Đình – hoàn thành năm 1963
  • Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh – hoàn thành năm 1975 ở vị trí mà Người đã đứng đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945
  • Bảo tàng Hồ Chí Minh – hoàn thành năm 1990
  • Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh vì Tổ Quốc – được xây dựng năm 1994

Ngay gần Quảng trường Ba Đình là khu di tích Phủ Chủ Tịch, chùa Một Cột từ thời nhà Lý và Hoàng Thành Thăng Long. Tất cả đều là những công trình độc đáo mang ý nghĩa lịch sử – nhân văn của dân tộc.

Thêm một thông tin thú vị mà quý khách không nên bỏ qua đó là cách không xa quảng trường là Hồ Tây (khoảng 2km). Quý khách có thể kết hợp để ghé thăm đường Thanh Niên – con đường đẹp nhất thủ đô, chùa Trấn Quốc, hồ Trúc Bạch… Hoặc đi xa một chút nữa về phía hồ Tây, quý khách sẽ gặp cầu Long Biên – chiếc cầu lịch sử vắt ngang con sông Hồng.

Bài viết trên của tạp chí du lịch đã giới thiệu đến bạn đọc về lịch sử hình thành và cảnh quan quảng trường Ba Đình niềm tự hào to lớn của đất Hà Thành. Nếu có điều kiện ghé Thủ Đô thì đừng bỏ lỡ địa danh lịch sử văn hóa của Việt Nam nhé!