Hoàng Thành Thăng Long – Di tích lịch sử mang dấu ấn độc đáo

2056

Trong các di tích ở Hà Nội thì Hoàng thành Thăng Long luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử chính trị và quân sự của Việt Nam. Vậy di tích lịch sử này có điểm gì đặc biệt hãy cùng khám phá nhé!

1. Vị trí Hoàng Thành Thăng Long

Nằm tại số 19C đường Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội là một quần thể di tích lịch sử với kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng qua nhiều giai đoạn lịch sử mang tên Hoàng Thành Thăng Long, đây là một di tích lịch sử nổi tiếng quan trọng ở thủ đô Hà Nội hiện nay cũng là điểm đến hấp dẫn để tham quan với nhiều khách du lịch.

2. Lịch sử Hoàng Thành Thăng Long

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều.

Hoàng Thành Thăng Long - Di tích lịch sử mang dấu ấn độc đáo
Hoàng Thành Thăng Long – Di tích lịch sử mang dấu ấn độc đáo

Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Nhà Trần sau khi lên ngôi đã tiếp quản Kinh thành Thăng Long rồi tiếp tục tu bổ, xây dựng các công trình mới. Sang đến đời nhà Lê sơ, Hoàng thành cũng như Kinh thành được xây đắp, mở rộng thêm ra. Trong thời gian từ năm 1516 đến năm 1788 thời nhà Mạc và Lê trung hưng, Kinh thành Thăng Long bị tàn phá nhiều lần. Đầu năm 1789, vua Quang Trung dời đô về Phú Xuân, Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Thời Nguyễn, những gì còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long lần lượt bị các đời vua chuyển vào Phú Xuân phục vụ cho việc xây dựng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi ngự giá Bắc thành. Năm 1805, vua Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng thành cũ và cho xây dựng Thành Hà Nội theo kiểu Vauban của Pháp với quy mô nhỏ hơn nhiều.

Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn, vua Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Khi chiếm xong toàn Đông Dương, người Pháp chọn Hà Nội là thủ đô của liên bang Đông Dương thuộc Pháp và Thành Hà Nội bị phá đi để lấy đất làm công sở, trại lính cho người Pháp. Từ năm 1954, khi bộ đội ta tiếp quản giải phóng thủ đô thì khu vực Thành Hà Nội trở thành trụ sở của Bộ quốc phòng. Như vậy giá trị đầu tiên của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội thể hiện ở chỗ nó gần như là một “bộ lịch sử sống” chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long- Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.

3. Các điểm tham quan ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long

Cột cờ Hà Nội

Toàn bộ Cột cờ Hà Nội cao hơn 33m, tính cả trụ treo cờ thì là 44m. Ở đây được tham quan cả khu ngoài trời và trong nhà. Ở bên trong rất rộng rãi, thoáng mát, trưng bày súng và những tượng của những người anh hùng.

Các tầng đế Cột cờ có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Bố cục cân đối ấy đã tạo lên những đường nét thẳng, vững vàng cho Cột cờ Hà Nội. Điều đặc biệt là trong những ngày nóng nhất của Hà Nội, nhiệt độ bên trong của Cột cờ luôn mát mẻ.

Trên nóc Cột cờ là lá quốc kỳ biểu tương quan trọng cho sự thống nhất đất nước và được thay mới sau 2 đến 3 tuần. Theo cách bậc thang dẫn đến đỉnh cột cờ, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn xe tăng và máy bay trực thăng của Bảo tàng Quân Sự và Công viên Le-nin.

Thiết kế lối cầu thang xoắn bằng đá bên trong cột cờ, du khách có thể dừng chân nhìn ra các ổ cửa sổ hình hia điểm xuyết theo theo những bức tường cong. Có tất cả 3 tầng quan sát riêng biệt và một thân cột, nếu muốn ngắm cảnh thì tốt nhất nên di chuyển đến đài quan sát trên cùng.

  • Nhìn từ hướng Bắc của Cột cờ có nhiều di tích cổ như Đoan Môn, Lầu Công chúa, Cửa Bắc.
  • Hướng Đông nhìn ra Nhà Bưu điện soi bóng xuống Hồ Gươm lịch sử.
  • Nhìn hướng Tây là Quảng trường Ba Đình, Lăng và Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Hướng Nam là một không gian được mở rộng với nhiều kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội.

Từ trên đỉnh của kỳ đài có thể quan sát cả một vùng rộng lớn bên trong và bên ngoài khu thành cổ. Trừ cửa hướng Bắc, ba cửa còn lại của Kỳ đài đều được khắc tên riêng. Cửa hướng Đông là “Nghênh húc” (đón ánh nắng ban mai), cửa hướng Tây là “Hồi quang” (ánh sáng phản chiếu), còn cửa Nam là “Hướng minh” (hướng về ánh sáng).

Điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên là công trình trung tâm của hoàng cung thời nhà Lê (thế kỉ XV – XVIII) ở Thăng Long – Đông Kinh (Hà Nội). Năm 1428, sau chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ tiếp tục đóng đô tại Thăng Long, cho xây dựng sửa sang lại hoàng thành bị hư hại. Điện Kính Thiên được xây dựng trong thời kì này. Đến 1886, điện bị phá huỷ, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay).

Nền điện dài 57 m, rộng 41,5 m, cao 2,3 m và thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành ba lối vào. Phía nam nền điện còn có hàng lan can cao hơn 100 cm. Mặt trước, hướng chính nam của điện Kính Thiên là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc có 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Thềm bậc có kích thước: ngang 13,7 m, dọc 4,45 m, cao 2,1m với đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn tương đối nguyên vẹn.

Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.

Điện Kính Thiên
Điện Kính Thiên

Phía bắc của nền Điện Kính Thiên còn có một thềm 7 bậc lên xuống nhỏ hơn so với bậc thềm chính ở phía nam. Hai bên bậc thềm có 2 rồng đá mang niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII ), rồng dài 3,4m; uốn 7 khúc, thân có vẩy, lưng như hàng vây cá, chân rồng 5 móng… Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây…

Nền và thềm bậc điện là di tích ít ỏi trong kiến trúc hoàng cung thời Lê còn sót lại đến ngày nay, phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.

Nhà D67

Nhà D67 được xây dựng năm 1967. Đó là tòa nhà một tầng, diện tích 604,41m2, nằm cách nhà Con Rồng 30 m ở phía sau. Kết cấu móng, tường và mái bằng bê tông cốt thép nguyên khối mác 400. Tường ngoài dày 0,60m, tường ngăn dày 0,28m. Mái có 3 lớp. Trần dày 0,15m, ở giữa đệm cát dày 0,7- 1,15m, lớp trên dày 0,35m. Chính giữa là phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương (rộng 76m2), bên cạnh là phòng nghỉ giải lao ( rộng 37 m2). Căn phòng nhỏ phía Đông là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( rộng 35m2), Căn phòng nhỏ phía Tây là nơi làm việc của đại tướng Văn Tiến Dũng (35m2). Từ nhà D67 có 2 cầu thang nối thẳng xuồng hầm D67 ( còn gọi là hầm Quân ủy trung ương).

Di tích Nhà D67 gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây từ tháng 9/1968 đến 30/4/1975, bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam( từ 1976 là Đảng cộng sản Việt Nam), Quân ủy trung ương và Bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân đã tập trung trí tuệ, đề ra các chủ trương chính sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo đưa nhân dân ta đi tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hậu Lâu

Hậu Lâu rộng khoảng 2.392m2, xưa gọi là Tĩnh Bắc Lâu, được xây dựng từ sau đời Hậu Lê, là nơi ở và sinh hoạt của hoàng hậu và công chúa. Thời Nguyễn, Hậu Lâu làm nơi ở của các cung tần, mỹ nữ đi theo nhà vua mỗi chuyến công du Bắc Hà.

Công trình được xây bằng gạch, phía dưới hình hộp, trên là công trình kiến trúc ba tầng. Lầu dưới có ba tầng mái, lầu trên là hai tầng mái. Phần mái phỏng theo kiến trúc cổ truyền Việt Nam kiểu mái chồng diêm, có các đầu đao nhưng toàn bộ mái là kết cấu gạch và bê tông, trên đắp ngoài giả ngói.

Người Pháp gọi Hậu Lâu là Lầu Công chúa hay Pagode des Dames (Chùa các bà). Cuối thế kỉ 19, Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, sau này người Pháp đã cải tạo xây dựng lại như hiện nay.

Chính Bắc Môn

Chính Bắc Môn, là một di tích gốc có từ thời Nguyễn được xây dựng từ năm 1805 với vật liệu chủ yếu được dùng lại của thời Lê. Tường thành được xây bằng đá theo dạng cuốn vòm kiểu parapol. Cửa Bắc cao 8,7m, rộng 17m, dày 20,48m. Cổng quay hướng Bắc, chếch Tây 15 độ, dạng hình thang, lòng hình vòm cuốn xây bằng gạch, mép cửa kè đá hình chữ nhật. Phía trên vòm cửa chính có gắn tấm biển được khắc bằng đá xanh ghi ba chữ Hán “Chính Bắc Môn”. 

Bài viết trên của tạp chí du lịch đã giới thiệu đến độc giả đôi nét về khu di tích Hoàng Thành Thăng Long hy vọng sẽ giúp các bạn mở rộng hiểu biết và có một chuyến tham quan đáng nhớ nhé!