Dân mạng xôn xao trước vụ cô giáo bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng

664

Tin nóng – Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một học sinh quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm theo đó là đơn kiến nghị của phụ huynh học sinh về vấn đề này. 

Cụ thế, theo nội dung đơn kiến nghị, do học sinh vi phạm quy định của lớp nên giáo viên chủ nhiệm lớp 9B đã yêu cầu 3 học sinh phải quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó có một học sinh không chấp nhận quỳ vì cho rằng đó là hình phạt mang tính chất lăng nhục nên đã bị giáo viên này đuổi ra khỏi lớp học.

Liên quan đến sự việc trên, ông Kiều Xuân Dương – Phó hiệu trưởng trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho hay: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về sự việc và đang xác minh làm rõ. Về việc phụ huynh phản ánh giáo viên của nhà trường yêu cầu học sinh quỳ trong lớp học, chiều nay nhà trường cũng đã có buổi làm việc với phụ huynh liên quan. Hiện chưa có kết luận về sự việc này”.

Cô Lê Thị Quy – giáo viên chủ nhiệm lớp 9B trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) – người được nhắc đến trong vụ việc cho hay: “Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh học sinh, con người ta hư quá nên yêu cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh.

Dân mạng xôn xao trước vụ cô giáo bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng
Dân mạng xôn xao trước vụ cô giáo bắt học sinh quỳ gối trước bục giảng

Mẹ em nói tôi thiếu trách nhiệm khi không trao đổi tình hình của học sinh thì vị này nên xem lại. Bố mẹ chưa một lần đi họp cho con, chỉ có bà đi họp. Sau đó, tôi mời phụ huynh họp vài lần, bố mẹ cũng không đến”, cô Quy nói.

Cũng theo nữ giáo viên, khi ông của học sinh đến họp, cô đã trao đổi là con rất hư, nghỉ nhiều buổi học.

Chị N.T.L (một phụ huynh có con bị cô giáo bắt quỳ) cho biết: “Bức ảnh cô giáo bắt học sinh quỳ được chụp ngày 9/3 vừa qua tại lớp 9B. Quan điểm của tôi là không bao giờ bênh con, nếu con làm sai tôi sẵn sàng trừng phạt ngay.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình việc cô giáo chủ nhiệm lớp 9B áp dụng hình phạt là bắt các cháu quỳ gối ngay tại lớp vì cháu nói chuyện riêng trong lớp.

Cô giáo đưa ra lời giải thích là trước đó phụ huynh đã ký biên bản đồng ý cho giáo viên áp dụng hình phạt. Tuy nhiên chỉ có 5/40 phụ huynh của cả lớp 9B ký vào biên bản này và trong đó không có gia đình tôi. Hiện chưa có kết luận về sự việc này. Trước mắt nhà trường cũng chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về vấn đề này”.

Bà Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục – Học viện Quản lý Giáo dục, cho rằng có nhiều cách trách phạt nhưng không được dùng biện pháp xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học trò. Đó là điều tối kỵ.

Hình phạt là phương pháp giáo dục hướng đến mục đích giúp các em nhìn ra lỗi sai của mình và sửa chữa. Ở đây, cô giáo yêu cầu học sinh quỳ có thể gây ảnh hưởng sức khỏe, danh dự của em đó. Đặc biệt, đây được coi là hình phạt nặng và phản giáo dục. Bởi lẽ, học sinh lớp 9 ở lứa tuổi nhạy cảm, đã biết mình cần được tôn trọng, có thể diện trước các bạn trong lớp.

Bà Loan cho rằng kể cả làm theo yêu cầu của phụ huynh, và đã được ghi rõ trong biên bản, giáo viên vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật, nội quy trường học, cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Có thể phụ huynh chưa thực sự hiểu hết nhạy cảm đằng sau việc bắt con quỳ trước lớp, và nghĩ “yêu cho roi vọt” nên yêu cầu giáo viên kỷ luật bằng cách bắt quỳ. Thầy cô là những người hiểu biết, có phương pháp sư phạm, cần giải thích cho cha mẹ hiểu người lớn không được quyền làm vậy với các con. Đó là chưa kể hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo.

Nguyên cán bộ của Học viện Quản lý Giáo dục cũng cho rằng nếu đúng như phụ huynh phản ánh cô giáo không cho học sinh vào lớp, là đang làm mất quyền học tập của các em, cũng như không quản lý được học sinh.

Ngoài ra, nếu em đó vi phạm đến mức không thể dùng biện pháp khác và thường xuyên tiếp diễn, giáo viên có thể báo cáo nhà trường đình chỉ môn học trong thời gian nhất định. Việc này phải được thông báo cho gia đình học sinh biết.

Sự việc sau đó đã nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Rất nhiều người cho rằng, bất luận vi phạm của học sinh có là gì đi nữa thì việc cô chủ nhiệm bắt em quỳ gối là hình phạt quá nặng và không phù hợp với môi trường giáo dục.

“Tôi không bênh em học sinh này, bởi quan điểm của tôi việc các em tuổi đi học, sai thì phải phạt là điều cần làm. Tuy nhiên, không thiếu gì cách phạt khác vừa đỡ nặng nề, vừa khiến các em dễ nhận ra sai lầm của mình hơn. Như ngày tôi đi học các đây nhiều năm, những hình phạt thường thấy là dọn vệ sinh, lao động… nặng hơn thì trừ điểm kiểm tra hay trừ hạnh kiểm… là sợ lắm rồi. Chứ bắt quỳ thế này không đúng, lớp 9 rồi, các em đều đã có cá tính riêng và khá mạnh, làm thế chỉ phản tác dụng mà thôi”, bạn T. V. bình luận.

Đồng quan điểm này, bạn H. T. cho rằng: “Bắt quỳ gối trong giờ học, trước mặt các bạn cùng lớp đương nhiên sẽ khiến các em xấu hổ vô cùng, việc một em học sinh thà bị đuổi khỏi lớp chứ không chịu quỳ đã thể hiện điều đó. Rồi những em cá tính mạnh, thì rất có thể sau đó em sẽ không chịu đến lớp nữa. Tôi không phản đối cách phạt này”.

Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến khác lại cho rằng việc học sinh mắc lỗi bị cô giáo phạt là hết sức bình thường và cần thiết cho việc phát triển nhân cách của các em, giống như bao nhiêu thế hệ học sinh trước đây. Đồng thời cho rằng việc phản ứng của vị phụ huynh là chiều con và dễ làm hư các em.

“Phụ huynh bây giờ cứ ai hơi động tới con mình một tí là dựng hết tóc gáy lên, sao không đem con về nhà mà tự dạy luôn đi? Cứ thế này rồi ai còn dám đi làm giáo viên nữa. Học sinh hư không phạt thì bảo cô không dạy dỗ, phạt 1 tí thì lồng lộn lên”, bạn T. T. bình luận.

Không gay gắt lên án, một bạn có tên X.A thì nói: “Các phụ huynh nhiều lúc cũng cần đồng lòng vì những hình phạt nhằm giúp con mình ngoan hơn và học tốt hơn. Rất nhiều tấm gương ở đời rồi, nuông chiều quá là hỏng con mình đó. Tôi ủng hộ hình phạt này.”

Mời độc giả theo dõi thêm các tin khác từ tạp chí du lịch.