Khám phá truyền thuyết và cảnh đẹp ngũ hành sơn Đà Nẵng

1124

Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng. Hãy cùng đi khám phá truyền thuyết và những cảnh đẹp của ngon núi này nhé!

1. Vị trí ngũ hành sơn

Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (gọi tắt là danh thắng Ngũ Hành Sơn) nằm ở phía đông nam thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 8 km. Phía Đông giáp biển Đông; Phía Tây giáp sông Cổ Cò; Phía Nam giáp khu dân cư phường Hòa Hải; Phía Bắc giáp khu dân cư phường Hòa Hải” có thể nói gọn hơn: “Phía Đông giáp Biển Đông; Phía Tây giáp sông Cổ Cò; Phía Nam và phía Bắc giáp khu dân cư phường Hòa Hải”.

Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn có vị trí địa lý hết sức thuận lợi: là điểm đến hấp dẫn của du khách trên con đường di sản Miền Trung: Cố Đô Huế – Ngũ Hành Sơn – Phố cổ Hội An và Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn, bên cạnh đó khu danh thắng còn có biển, có sông và núi rất thuận lợi cho việc khai thác và phát triển du lịch.

Khám phá truyền thuyết và cảnh đẹp ngũ hành sơn Đà Nẵng
Khám phá truyền thuyết và cảnh đẹp ngũ hành sơn Đà Nẵng

2. Truyền thuyết ngũ hành sơn

Câu chuyện về truyền thuyết hình thành nên Ngũ Hành Sơn còn là một câu chuyện ly kì và lôi cuốn không kém đối với không chỉ du khách tham quan mà còn là người dân Đà Nẵng.

Dựa theo sự tích “Trứng Rồng và Thần Kim Quy”, câu chuyện kể rằng ngày xưa có một ông cụ đã lớn tuổi sinh sống trong một túp lều nhỏ gần biển và làm nghề chài lưới để kiếm sống. Vào một buổi sáng như mọi ngày, khi ông cụ chưa kịp ra khơi thì thấy trời nổi gió to bão lớn cùng những tiếng sét gầm vang cả bầu trời. Trong những cơn gió đang không ngừng thổi, mặt biển không ngừng dao động, ông thấy một con rồng khổng lồ xuất hiện, rồng đẻ ra một quả trứng lớn trên mặt đất rồi quay ra biển và biến mất.

Sóng gió cũng theo đó mà tạnh hẳn. Trong lúc ông cụ vẫn đang còn bàng hoàng thì một con rùa vàng lớn tự xưng là “thần Kim Quy” cũng từ ngoài khơi đi vào và đến bên túp lều, Rùa Vàng đào một lỗ trên cát rồi vùi quả trứng xuống và căn dặn ông lão rằng: “Ta là thần Kim Quy. Kia là quả trứng của Long Quân, ta muốn ngươi phải bảo vệ cho quả trứng ấy đến khi trứng nở”. Ông cụ trong lúc còn ngần ngơ mới lúng túng trả lời: “Nhưng tôi tuổi già, sức yếu làm sao đủ sức đảm đương công việc hệ trọng này”. Thần Kim Quy nghe vậy, liền trao cho ông cụ một chiếc móng của mình, bảo rằng: ““Khi nào gặp chuyện chẳng lành, ngươi hãy áp chiếc móng này vào tai của mình, ta sẽ chỉ cách cho”. Xong việc, Thần Kim Quy liền quay ra biển và biến mất sau làn nước xanh.

Từ đó, ông ngư dân dựng một túp lều tranh ở đây, sinh sống bằng nghề chài lưới và không quên nhiệm vụ bảo vệ trứng rồng. Ông chăm nom và giữ gìn trứng rồng rất cẩn thận. Đến ngày kia, một chiếc xe trâu chở nhiều người có khuôn mặt dữ dằn lao thẳng đến nơi đang chôn quả trứng. Ông ngư dân vội vàng cầm chiếc móng của thần Kim Quy vào đặt sát bên tai và nghe một giọng nói dịu dàng vang lên: “Hãy nằm xuống đi!”, cụ già liền làm theo, mời vừa nằm xuống, cụ liền hóa thành một con hổ to lớn, bọn người kia hoảng hồn quay xe tháo lui chạy mất.

Sau đó, cụ già dỡ cả túp lều của mình ở đến dựng ngay bên trên chỗ chôn quả trứng Rồng. Cụ không ngờ trứng mỗi ngày một lớn và trồi dần lên khỏi mặt đất. Trứng cứ lớn mãi, lớn mãi choáng gần hết căn nhà tranh bé nhỏ của cụ. Vỏ trứng lấp lánh như một hòn ngọc khổng lồ. Một đêm cụ già vừa nằm chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy lách tách, thì ra bọn người hôm nọ đang quay lại phóng lửa đốt túp lều của cụ, thấy thế cụ liền khấn xin thần Kim Quy cứu giúp. Vừa khấn xong, cụ già liền thấy mình đang ở trong một hang đá rộng rãi và mát mẻ, trong góc hang lại có giường chiếu sẳn sàng. Cụ không hề hay biết rằng có một phép màu đã xảy ra, chính cụ đang ở trong hang đá của một trong năm ngọn núi Cẩm thạch vừa được biến thành từ năm mảnh vỡ của chiếc vỏ trứng Thần.

Mỗi ngày quả trứng rồng càng lớn hơn và trồi lên mặt đất. Vỏ trứng phản chiếu ánh sáng lấp lánh như một hòn ngọc lớn. Vào một đêm, trứng nở ra một cô bé gái, đây chính là công chúa con của Long Quân. Còn vỏ trứng thì tách ra thành một cụm núi đá với 5 đỉnh cao có các màu sắc khác nhau. 

Đến nay, những hòn núi đá cẩm thạch ấy vẫn còn trơ gan theo cùng năm tháng bên cạnh biển Đông mà dân gian vẫn quen gọi là Ngũ Hành Sơn.

3. Cảnh đẹp núi Ngũ Hành Sơn

Thuỷ Sơn

Thuỷ Sơn còn có tên gọi là là núi Tam Thai bởi có 3 đỉnh nằm ở ba tầng giống như ba ngôi sao Tam Thai. Trong 5 ngọn núi, Thuỷ Sơn là ngọn núi đẹp nhất và lớn nhất được nhiều du khách chọn để thăm quan và khám phá. Để lên được đỉnh núi, bạn có thể chọn leo lên hơn trăm bậc thang hoặc chọn đi thang máy với buồng kính trong suốt với giá vé hai chiều là 30,000 VNĐ.

Chùa Tam Thai Và Chùa Linh Ứng

Đây là những ngôi chùa có cảnh quan đẹp và nổi tiếng tại Ngũ Hành Sơn. Mang đậm phong cách kiến trúc cổ xưa. Không chỉ thích hợp cho những ai muốn đi du lịch tâm linh. Chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng còn là nơi để du khách thả hồn mình vào chốn bình yên, tránh xa những ồn ào náo nhiệt của chốn thị thành.

Chùa Tam Thai nằm trên bề mặt khá bằng phẳng. Chùa có 3 cổng và cổng chính quan trọng nhất dành cho sư thầy đi, cổng trái cho nam qua còn bên phải là của phái nữ qua. Chùa mang nét kiến trúc cổ xưa và đã trải qua khá nhiều lần sửa chữa do thiên tai, chiến tranh.

Chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn là cũng là ngôi chùa lớn trên ngọn Thủy Sơn được nhiều khách du lịch tới tham quan. Đây là một trong ba ngôi chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng. Ở đây có tượng phật Thích Ca cao 10m được đặt vị trí trang trọng ngay chính giữa. Hai bên thờ Bồ Tát Địa Tạng và Quan Thế Âm Bồ Tát. Với những ai muốn cầu nguyện thì nên vào chùa Linh Ứng thắp hương cầu nguyện vì ngôi chùa này rất linh thiêng.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước

Làng đá mỹ nghệ Non Nước là một điểm đến được nhiều du khách ghé thăm khi đi thăm quan Ngũ Hành Sơn. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm điêu khắc bằng đá được làm dưới bàn tay vô cùng tài hoa của nghệ nhân làng Non Nước. Bạn sẽ cảm nhận được phần nào tình yêu nghề của những nghệ nhân nơi đây khi được chứng kiến quá trình “biến hoá” từ những hòn đá vô hồn, qua từng mũi khoan, nét đục công phu tỉ mỉ để thành được một thành phẩm chỉn chu mang giá nghệ thuật cao.

Động Huyền Không

Động Huyền Không
Động Huyền Không

Động Huyền Không là sở hữu phong cảnh đẹp nhất trong các động ở Ngũ Hành Sơn. Động nằm lộ thiên và có cấu trúc vô cùng độc đáo ấn tượng với các vòm hình tròn thông ra bên ngoài nên luôn tràn ngập áng sáng. Không chỉ đến để thăm quan, khách đến đây thường hoà mình vào không gian linh thiêng để cảm thấy tịnh tâm, thư thái.

Bãi Tắm Non Nước

Bãi biển Non Nước thuộc dải bờ biển Đà Nẵng, có hình dáng gần giống như một chiếc bát bao tròn lấy chân núi Ngũ Hành Sơn. Bãi biển Non Nước nổi tiếng bởi vẻ đẹp và sự trong lành và sạch sẽ. Bãi cát trắng mịn kéo dài tới tận 5 km, độ dốc thoai thoải, nước trong xanh, lộng gió, chan hòa ánh nắng với khí hậu ấm áp trong mùa đông và hè về lại rất mát mẻ.

Môi trường nơi đây bình yên đến mức lý tưởng, du khách đến thoải mái thả mình vào làn nước biển trong vắt hay tham gia những hoạt động giải trí trên biển quanh năm như: câu cá, lướt ván, bóng chuyền bãi biển. Và thưởng thức nhiều đặc sản biển tươi ngon như mực, tôm, cua, ốc… Ngồi trên những mô đá to, xung quanh hoàn toàn vắng vẻ lắng nghe những con sóng bạc đầu rì rào vỗ về có cảm giác như mình được hòa tan cùng thiên nhiên.

Kim Sơn

Nằm ở phía Đông Nam, bên bờ sông Cổ Cò. Đi thuyền trên sông, du khách có thể ngắm bóng núi, bóng chùa in trên mặt nước phẳng lặng . Lối vào động là những bậc đá tự nhiên, bên trong là những lớp thạch nhũ bám vào vách núi tạo thành hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Không khí trong động thanh mát, làm lòng người khoan khoái.

Mộc Sơn

Nằm song song với núi Thuỷ Sơn là núi Mộc Sơn. Mặc dù mang tên “mộc” nhưng nơi đây lại thưa cây. Trên ngọn núi Mộc Sơn không có chùa mà chỉ có một khối đá cẩm thạch trắng thường được người địa phương gọi là Bà Bà Quan Âm hay Cô Mụ.

Hoả Sơn

Hoả Sơn gồm 2 ngọn và một đường đá nhô lên nối liền chúng với nhau. Trong núi Dương Hoả Sơn có các hang và chùa Phổ Sơn Đà. Còn ngọn ở phía đông, gần đường đi Hội An là Âm Hoả Sơn với chóp núi nhô cao, sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy ngang tạo thành lát cắt, mỏm núi phía đông có một hang đá thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc. Cây cối mọc xen dày ở các kẽ đá.

Thổ Sơn

Ngọn Thổ Sơn còn được gọi bằng một cái tên dân dã là “núi Đá Chồng”. Thố Sơn là ngọn núi đất và thấp, nhưng lại trải dài nhất trong 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Trong Thổ Sơn có một hang ăn sâu vào trong núi mang tên hang Bồ Đề (hay còn được gọi là hang Cóc) với ngách hẹp, và là nơi trú ẩn cho bà con địa phương trong các cuộc kháng chiến chống Pháp & Mỹ.

Bài viết trên của tạp chí du lịch đã giới thiệu đến độc giả đôi nét về Ngũ Hành Sơn hy vọng sẽ giúp các bạn mở rộng hiểu biết và có một chuyến tham quan đáng nhớ nhé!