Khám phá kiến trúc độc đáo nhất châu Á của chùa Một Cột

964

Chùa Một Cột – ngôi chùa mang tính biểu tượng nhất ở Hà Nội, có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á. Hãy cùng khám phá di tích lịch sử này nhé!

1. Hướng dẫn tham quan chùa Một Cột

Chùa Một Cột là một trong những địa điểm hấp dẫn để tham quan ở Hà Nội, luôn thu hút lượng lớn du khách ghé thăm mỗi ngày.

Chùa xưa được vua Lý xây dựng trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long xưa. Ngày nay chùa nằm ở phố Chùa Một Cột, ngay cạnh quần thể di tích Quảng trường Ba Đình – Lăng Chủ Tịch ở trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội.

Khám phá kiến trúc độc đáo nhất châu Á của chùa Một Cột
Khám phá kiến trúc độc đáo nhất châu Á của chùa Một Cột

Chùa Một Cột nằm cạnh khu di tích Phủ Chủ Tịch – Lăng Bác Hồ nên du khách thường kết hợp tham quan cả hai địa điểm này. Quý khách có thể di chuyển đến Lăng Bác ở số 19 đường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội.
Sau đó theo hướng dẫn vào viếng Bác và men theo lối đi lần lượt tham quan Phủ Chủ Tịch, Bảo Tàng Hồ Chí Minh và chùa Một Cột.

Quý khách có thể đến tham quan, chiêm bái chùa Một Cột bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe bus, xe máy, taxi… Khi thăm chùa, quý khách nên chú ý ăn mặc lịch sự và tôn trọng những quy định chuẩn mực nơi tôn nghiêm.

Du khách có thể tham quan chùa Một Cột vào bất cứ thời gian nào trong trong năm. Vào những ngày mùng 1 và 15 âm lịch đều có các lễ cúng và vào gần dịp tết nguyên đán, tham quan chùa Một Cột để chiêm ngưỡng màu hồng hoa sen nở rộ lan tỏa khắp chùa.

Tham quan chùa Một Cột mất khoảng thời gian từ 1 đến 2 giờ. Tuy nhiên nên kết hợp tham quan với các địa chỉ khác nằm ở khu vực trung tâm thành phố mất khoảng nửa ngày đến một ngày.

2. Sự tích chùa Một Cột

Vào đời Lý, vua Lý Thái Tông là một tín đồ nhiệt thành của đạo Phật, theo phái Vô Ngôn Thông.

Thuở bấy giờ, đạo Phật đang độ bành trướng, riêng triều đại này nhà vua truyền xây 95 ngôi chùa mới, trùng tu lại tất cả những tượng Phật và trong các dịp lễ lớn này đều ban tha thuế cho toàn dân.

Năm 1049, một hôm vua Thái Tông nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm hiện ra, đưa nhà vua đến một tòa sen rạng ngời ánh sáng. Sau khi tỉnh dậy, Vua thuật lại câu chuyện chiêm bao cho quần thần hay. Thiền tăng Thuyền Lã, vị sư đã hướng dẫn nhà sư trên đường đạo hạnh, bàn cùng nhà vua nên dựng một ngôi chùa để nhớ ơn đức Quan Âm.

Chùa Diên Hựu được dựng lên theo hình hoa sen, ở trên một cái cột lớn độc nhất giữa một cái ao trồng toàn sen gần kinh đô. Ngôi chùa kiến trúc đặc biệt theo nghệ thuật Đại la đời nhà Lý, tục gọi là chùa Một Cột. Ngày nay vẫn còn ở đất cố đô Thăng Long, ghi lại cuộc gặp gỡ kỳ ảo giữa ông vua mộ đạo với Phật Bà Á Đông.

Khảo dị:

Chùa một cột ở phía tây Thủ đô, thuộc thôn Ngọc Thanh, khu Ngoc Hà. Nơi đó nguyên có một cái hồ hình vuông, giữa hồ có một cột đá, cao chừng hai trượng, chu vi chín thước, đầu trụ đặt một tòa chùa ngói đỏ, hình như một đóa hoa sen dưới nước mọc lên, người ta gọi là chùa Nhất Trụ hay là chùa Một Cột. Chùa xây từ năm 1049, tức là năm đầu niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo vua Thái Tôn nhà Lý.

Tục truyền khi ấy vua Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con trai, thường đến cầu tự ở các chùa. Một đêm nằm chiêm bao thấy đức Phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen trong một cái hồ vuông ở phía tây thành, tay bế một đứa con trai đưa cho nhà vua.

Sau đó nhà vua quả sinh được con trai. Nhà vua liền sai lập chùa Một Cột để thờ Phật Quan Âm. Khi chùa làm xong, nhà vua triệu tập hàng ngàn Tăng Ni đứng chầu chung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày đêm, và lập thêm một ngôi chùa lớn ở ngay bên cạnh để thờ chư Phật, gọi là chùa Diên Hựu.

Năm 1105, vua Nhân Tông nhà Lý cho sửa lại chùa, dựng lên một cây tháp bằng đá trắng gọi là tháp Bạch Tuynh, cao 13 trượng ở trước chùa Diên Hựu. Từ tháp Bạch Tuynh vào chùa Một Cột, đi bằng một hành lang cầu vồng. Mỗi tháng hai ngày rằm, mùng một, nhà vua cùng các hậu phi, cung tần và cận thần tới chùa lễ Phật. Đặc biệt là hằng năm cứ đến ngày tám tháng tư là ngày Phật Đản, nhà vua lại ngự ra chùa trước một đêm, giữ mình chay tịnh, ngày hôm sau làm lễ tắm Phật. Rất đông Tăng Ni và nhân dân các nơi tới dự, làm nên ngày hội lớn hàng năm ở thủ đô. Ngày ấy, trước chùa lại có một lễ lớn gọi là Lễ Phóng sinh. Lễ tắm Phật xong rồi, nhà vua đứng lên đài cao, tay cầm một con chim thả cho bay đi, rồi các tăng Ni và các nam nữ thiện tín, đua nhau mỗi người thả một con, bóng bay rợp trời.

Năm 1922, trường Viễn Đông Bác Cổ có sửa chữa lại, giữ theo đúng như quy chế cũ. Đêm ngày 11 thánh 9 năm 1954, tay sai của thực dân Pháp, trước khi phải giao trả thủ đô cho Chính phủ và nhân dân ta, đã cố ý đặt mìn để phá hoại chùa Một Cột. Ngày sau khi tiếp quản thủ đô, chính phủ ta đã cho chiếu theo đồ dạng cũ, sửa chữa lại ngay; tháng 4 năm 1955, chùa Một Cột lại được hoàn nguyên như cũ.

Từ đầu 1958, cây bồ đề của đất Phật Ấn Độ kính tặng Hồ Chủ tịch nhân dịp Người đi thăm Ấn Độ, được đem trồng trong chùa.

Kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột
Kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột

3. Kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột

Khi đi đến chùa, du khách sẽ nhận thấy ngôi chùa được xây gần như hoàn toàn bằng gỗ. Người ta cho rằng nhiều nguyên liệu gốc đã được sử dụng trong quá trình phục dựng, đồng nghĩa với việc nhiều phần của công trình đã tồn tại gần 10 thế kỷ.

Chùa có kết cấu hình vuông, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, có bốn mái, bốn đầu đao cong được đắp hình đầu rồng. Trụ đá gồm hai khối gắn liền với nhau, đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất). Lối đi lên chùa là một cầu thang nhỏ làm bằng gạch.

Phần trên thân trụ gồm một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, giống như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ. Đây chính là nét kiến trúc vô cùng độc đáo của Chùa Một Cột.

Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu mặt nguyệt. Trong chùa, tượng đức Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất. Phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên hoa đài” gợi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây dựng chùa. Từ sân lên sàn chùa để tụng kinh lễ bái, phải bước qua 13 bậc thang rộng 1,4m, hai bên tường gạch, gắn bia đá giới thiệu lịch sử ngôi chùa.

Chùa Một Cột xây ở giữa hồ nước thả sen, mỗi cạnh hồ 20m, có tường thấp bao xung quanh. Tuy quy mô của chùa không lớn nhưng nó lại mang đến một vẻ đẹp rất riêng, được dựng lên chỉ bằng một cột trụ nhưng vẫn có thể đứng vững chãi, không gì đánh đổ được qua thời gian. Khách phương xa mỗi lần có dịp đến thăm chùa đều ngỡ ngàng trước lối kiến trúc độc đáo của nó.

Chùa ngày nay tuy không được tạo hình như những cánh hoa sen trên cột đá xưa nhưng hình ảnh về một ngôi chùa nằm giữa mặt nước vươn cao vẫn gợi hình về một bông hoa sen – loại hoa đẹp, tượng trưng cho vẻ đẹp tinh túy, cao sang – nằm ngay giữa lòng hồ. Không chỉ vậy, nó còn là biểu tượng của trí tuệ, của sự trường tồn, sự giải thoát qua nhận thức đậm chất trí tuệ để đi tới cõi niết bàn.

Ngoài ra cổng Tam Quan – Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột là công trình mở rộng quy mô của của chùa cho việc thờ cúng, tụng kinh phật và sinh hoạt cho các tăng ni.

Bước ra ngoài trời nắng đẹp, du khách hãy ngồi trên một chiếc ghế đá đặt quanh vườn hoa rực rỡ. Đừng bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn cây bồ đề lớn ở ngay phía sau chùa. Người ta tin rằng đây là nhánh của cây bồ đề nơi Đức Phật giác ngộ.

Chùa Một Cột không giống với bất cứ một tháp Phật nào, chùa mang đậm tính triết lí nhân văn với vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Đây là quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ. Vẻ đẹp của nó vừa có vẻ uy nghi cổ kính, lại vừa mang phong thái nhẹ nhàng thanh thoát của cõi Phật.

Trải qua hàng ngàn năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, Chùa Một Cột vẫn giữ được cái hồn của Thăng Long xưa. Một ngôi chùa rất nhỏ bé mong manh nhưng giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn, lại trường tồn cùng dân tộc, vẫn uy nghiêm trong tâm linh dân tộc, là hình ảnh biểu trưng của Thủ đô, vững vàng trong dòng thời gian bất tận.

Bài viết trên của tạp chí du lịch đã giới thiệu đến độc giả đôi nét về chùa Một Cột hy vọng sẽ giúp các bạn mở rộng hiểu biết và có một chuyến tham quan đáng nhớ nhé!