Khám phá chợ Đà Lạt con tim của thành phố

1281

Chợ Đà Lạt là một trung tâm thương mại được xem là “con tim của thành phố Đà Lạt”. Không chỉ là thiên đường ẩm thực hay nơi diễn ra các hoạt động mua bán chợ còn là điểm đến hấp dẫn khách tham đến khám phá thành phố.

Khám phá chợ Đà Lạt con tim của thành phố
Khám phá chợ Đà Lạt con tim của thành phố

Lịch sử chợ Đà Lạt

Chợ Đà Lạ bắt nguôn từ một ngôi chợ bằng cây được xây dựng năm 1929 tại vị trí Rạp chiếu bóng 3 tháng 4 ở khu Hòa Bình hiện nay.
Chợ Cây hội họp được 2 năm thì vào năm 1931 một cuộc hỏa hoạn lớn đã xảy ra thiêu rụi chợ và hàng hóa. Sau đó, đến năm 1937 nhà cầm quyền đương thời cho xây dựng lại một ngôi chợ mới bằng gạch khang trang (nay là rạp 3/4) thay thế cho chợ Cây để đáp ứng nhu cầu mua bán sinh hoạt cho hơn 6.500 người dân.

Chợ Đà Lạt hoàn thành lúc bấy giờ được xem như biểu tượng của phố núi. Ngay mặt tiền chợ, trên tường đầu hồi có gắn nổi huy hiệu hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc, người nữ mang gùi, người nam tay cầm ngọn giáo nhắm vào một con cọp.

Năm 1958, chính quyền Sài Gòn đã cho chỉnh trang lại khu vực trung tâm thương mại. Chợ Đà Lạt được khởi công xây dựng trên một vùng đất sình lầy trồng xà-lách-son (cresson)  do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công, hoàn thành vào năm 1960. Về sau, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tham gia chỉnh trang chợ Đà Lạt (đặc biệt là việc thay đổi mặt tiền, thiết kế bổ sung cầu nổi béton, khu công viên trước chợ, và các dãy phố lầu xung quanh chợ). Ngày 3 tháng 4 năm 1993, khởi công xây dựng khối B chợ Đà Lạt do kiến trúc sư Lê Văn Rọt và Trần Hùng thiết kế. Công trình do Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt và Ngân hàng Việt Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác đầu tư.

Ngày nay chợ Đà Lạt có 3 tầng, hoạt động từ sáng đến tối không ngừng nghỉ. Chợ Đêm Đà Lạt hay còn được gọi là chợ Âm Phủ, tên gọi này xuất hiện từ hồi đèn đường còn chưa có, những người bán đồ ăn khuya tụ tập ở dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt.

Khoảng 6 giờ30 tới 7 giờ chiều, các kiot bán hàng dọc 2 bên con đường vào chợ thay đổi diện mạo một cách nhanh chóng, từ những kiot quầy quần áo lạnh như áo len, áo gió, áo jacket, khăn len, giầy dép, đặc sản Đà Lạt, đến những gánh hàng rong, quán cóc mọc lên như nấm sau mưa, làm cho không khí tại chợ đêm đà lạt nhộn nhịp hẳn lên.

Mua gì ở chợ Đà Lạt

Hoa

Đà Lạt vốn nổi tiếng là thành phố ngàn hoa vì thế chợ Đà Lạt có vô sô loài hoa với đủ màu sắc: lay ơn, thược dược, hồng, bất tử, cẩm tú cầu, sao, ly ly…và cây cảnh có sẵn trong chậu: xương rồng, lan, sen đất…Tuy nhiên bạn nên hỏi kỹ nếu mua về đến nơi khác trồng thì cây có sống được không, vì đa số cây ở ưa khí hậu lạnh.

Dâu tây Đà Lạt

Dâu tây là một đặc sản chỉ có ở Đà Lạt vì nơi đây được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho khí hậu mát lành nên Đà Lạt rất thích hợp với loại cây này. Khi đi du lịch Đà Lạt du khách thường nhắc tới loại dâu tây Đà lạt như một loại quả đặc trưng nhất.

Dâu tây Đà Lạt nổi tiếng thơm ngon và đẹp mắt, không chỉ là món ăn vặt được ưa thích mà dâu tây còn bổ dưỡng cho sức khỏe, bổ sung vitamin cho cơ thể, làm đẹp da và giải độc. Du khách có thể mua dâu tây tại chợ Đà Lạt để làm quà cho người thân.

Rượu vang Đà Lạt

Rượu vang Đà Lạt là một thương hiệu được biết đến từ những năm cuối của thập niên 90 và đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng của thế giới rượu trong và ngoài nước. Vang Đà Lạt được làm từ dâu, nho và một số loại hoa quả vùng ôn đới được trồng nhiều ở tại Đà Lạt. Chắc có lẽ cũng chính vì thế đã tạo nên thương hiệu rượu vang Đà Lạt nổi tiếng có thể so sánh với một số thương hiệu rượu vang khác trên thế giới.

Thường thì rượu vang Đà Lạt có nồng độ cồn rất ít, chỉ từ 12-14% nên thường chỉ dùng làm rượu khai vị trong những bữa tiệc nhẹ giữa tiết trời se lạnh. Khách du lịch Đà Lạt thường thưởng thức rượu vang Đà Lạt và họ cảm thấy khá hài lòng, và truyền tai nhau về món đặc sản của phố núi Đà Lạt đến với bạn bè người thân của họ.

Đồ Len

Dạo chợ Đà Lạt bạn sẽ thích thú với nhiều loại đồ len phong phú như áo, khăn choàng, mũ, găng tay với nhiều kích cỡ và kiểu dáng rất đẹp. Đặc biệt áo len ở Đà Lạt rất tốt, giá khá mềm phù hợp với mọi đối tượng khách và có nhiều mẫu mã để bạn lựa chọn.

Các loại rau củ quả

Khi rạng sáng chợ Đà Lạt tập trung rất nhiều loại nông sản tươi sạch như các loại rau, sup lơ, atiso … nếu lâu lâu mới đến đà lạt thì bạn nên mua nhiều 1 chút và đóng thùng đem về sử dụng dần. Các loại nông sản nổi tiếng của đà lạt như bơ thì phải theo mùa mới có.

Tranh khắc gỗ, tranh bút lửa

Tranh bút lửa và tranh khắc gỗ là một nghệ thuật độc đáo của người Đà Lạt. Bằng một cái cưa nhỏ, người thợ có thể khắc những chữ bay bướm, liền kề nhau vừa sắc sảo, vừa xinh xắn. Nội dung tranh thường là những câu đối, những câu thơ hay…Bạn có thể yêu cầu nghệ nhân khắc tại chỗ những gì mình thích lên bức tranh, giá những bức tranh này cũng khá rẻ chỉ từ 10 đến 20 ngàn còn những bức lớn hơn có giá từ 100 đến vài trăm ngàn.

Các loại mứt

Bên hông chợ Đà Lạt có rất nhiều loại mứt rất ngon được bày bán với giá cả khác nhau tùy thuộc vào chất lượng nên cũng không chênh lệch nhiều.

Những sạp mứt đủ màu sắc khiến khách du lịch đi ngang qua không thể không chăm chú tấm tắc nhìn ngắm, gồm nhiều loại như mứt dâu, mứt hoa hồng, mứt khoai lang, mứt dâu tằm, mức hồng…

Chợ Đà Lạt buổi đêm
Chợ Đà Lạt buổi đêm

Trà

Nổi tiếng nhất trong các loại trà ở Đà Lạt là trà Atiso. Bạn có thể tìm thấy Atiso được trồng rất nhiều ở vùng ngoại ô Đà Lạt, đặc biệt thân, rễ, lá, bông của loại cây này đều hữu dụng có tác dụng chữa các bệnh về gan mật, lợi tiểu. Atiso được chế biến sấy khô, luộc ăn như rau, hầm với các loại thịt,… đặc biệt là được chế biến làm trà Atiso.

Trà có giá từ 40.000 – 60.000 đ /kg cò hoa khoảng 60.000 – 80.000 đ/kg. Bên cạnh Atiso còn có Cafe, trà ô long.

Lụa tơ tằm

Lụa tơ tằm óng mượt, mềm mại, quyến rũ, ấm áp khi đông sang, mát mẻ khi hè về. Được sản xuất theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản và Hàn Quốc, hầu hết là sợi mành nhỏ nên khi dệt lụa đều, có độ mềm mại, bóng, xốp giúp người dùng có thể cảm nhận rõ rệt vẻ mượt mà, êm ái, thoáng, không tích điện.

Thổ Cẩm

Trải nghiệm Đà Lạt mà chưa được chiêm ngưỡng những món đồ thổ cẩm lạ mắt thì thật đáng tiếc. Nếu đi du lịch Đà Lạt hãy dành cho mình những phút giây được ngắm nhìn, học hỏi cách đan dệt thổ cẩm đẹp của người dân tộc ở Xã Lát – trại Mát. Chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ đấy.

Ẩm thực chợ Đà Lạt

Bánh tráng nướng

Thành phần để làm món ăn này bao gồm phô mai, xúc xích, khô bò, hành phi, sốt mayonnaise, tương ớt, hành lá, tép cháy, với giá bán dao động từ 15.000-25.000 đồng/chiếc.

Sữa đậu nành

Sữa đậu nành là một món rất được ưa chuộng tại chợ đêm Đà Lạt. Kèm theo 1 ly sữa đậu nành đó là dĩa bánh nướng ngon tuyệt hảo. Bên trong chợ đêm Đà Lạt có rất nhiều hàng quán bán sữa đậu nành, đảm bảo quán nào cũng ngon với sữa đậu nguyên chất.

Sữa đậu nành nơi đây cũng được biến tấu cho phù hợp khẩu vị của khách du lịch như: sữa nành bò (sữa bò), sữa đậu phộng, sữa đậu xanh, sữa đậu nành lá dứa,..

Dâu lắc

Hoà theo phong trào các món ăn “lắc” như xoài lắc, cóc lắc, người Đà Lạt cũng sáng tạo thêm một món ăn mới, tận dụng đặc sản tại chính nơi này là món dâu lắc. Dâu tươi trộn với nước đường, muối tôm rồi lắc đều và được bán với giá 15.000 đồng/ly.

Kem bơ

Kem bơ Đà Lạt thật sự là một cực phẩm. Bơ ở Đà Lạt đã ngon, nay được chế biến thành kem bơ lại càng ngon hơn nữa. Trong ly kem bơ 20k đầy ắp bơ và kem. Nếu bạn nào thích sầu riêng, thì có thể kêu chủ quán cho sầu riêng vào xay chung để thành món “Kem bơ sầu riêng” khiến ai ai cũng nhớ nhung mỗi khi về lại thành phố.

Hủ tiếu Liên Hoa

Ở Liên Hoa bên trong khu chợ đêm có rất nhiều món ngon, nhưng món hủ tiếu chính là món “tủ” tại đây. Hủ tiếu Liên Hoa với nước dùng được hầm từ thịt và xương nên nước rất ngọt, mang lại cảm giác thanh đạm mỗi khi ăn. Có 2 loại hủ tiếu du khách rất ưa thích đó là: hủ tiếu mì nước và hủ tiếu mì khô.

Xiên nướng

Một trong những đặc trưng ở chợ đêm Đà Lạt đó là món xiên que nướng. Xiên que nướng với đầy đủ các loại như: thịt ba chỉ nướng, xúc xích nướng, hồ lô nướng, đậu bắp nướng,.. khiến cho khí trời lành lạnh của Đà Lạt thêm phần ấm áp. Mỗi que trung bình từ 5-10k tuỳ loại.

Lưu ý khi đi chợ Đà Lạt

  • Nên mua đặc sản ở những của hàng có nguồn gốc rỏ ràng như L’angfarm.
  • Nếu muốn ăn gì, mua gì nên hỏi giá thật kỉ, từng món ăn một.
  • Cẩn thận với những chiêu trò lôi kéo chụp ảnh.
  • Hãy cẩn thận với những thứ có giá trị trên người bạn vì chợ đêm Đà Lạt rất đông đúc.

Bài viết trên đã chia sẻ nhưng kinh nghiệm đi chợ Đà Lạt và cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc của chợ hy vọng sẽ giúp độc giả có một chuyến du lịch Đà Lạt thú vị với nhiều kỉ niệm khó quên nhé!