Chợ Đồng Xuân với lịch sử lâu đời hơn 200 năm là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Hà Nội. Đến nơi đây bạn có thể thỏa thích mua sắm với giá rẻ và thưởng thức những món ngon đặc trưng chỉ nơi đây mới có.
1. Vị trí chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân nằm trong khu vực phố cổ với phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân, phía tây là phố Đồng Xuân, phía nam là phố Cầu Đông và phía bắc là phố Hàng Khoai. Cổng chính của chợ nằm trên phố Đồng Xuân.
Chợ kéo dài khoảng 3km từ đầu hồ Hoàn Kiếm, qua phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường và kết thúc ở ngõ chợ Đồng Xuân.
2. Thời gian họp chợ đêm Đồng Xuân
Không giống những chợ đêm khác, chợ đêm Đồng Xuân thường họp vào các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần. Du khách cân nhắc thời gian để ghé tham quan cho phù hợp.
Chợ họp vào thời gian từ khoảng 18h đến 22h30. Tuy nhiên, từ 17h00 các chủ sạp đã ra sớm và chuẩn bị tươm tất hàng hóa cho sạp của mình.
Chợ họp đông nhất là vào khoảng 20h đến 22h đêm. Nếu muốn mua hàng hóa thì du khách nên đi sớm để tiện lựa chọn. Còn nếu muốn tham quan thì nên đi lúc 20h, chợ họp càng đông thì càng vui.
Không chỉ thu hút người dân địa phương mà chợ còn hấp dẫn cả du khách Việt Nam và du khách quốc tế.
3. Lịch sử chợ Đồng Xuân
Trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào mùa hạ năm Giáp Tí (1804), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành dưới triều đại Nguyễn đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông, hay còn gọi là chợ Đồng Xuân ngày nay.
Chợ Đồng Xuân tuy nằm trong khu phố cổ nhưng có tuổi đời trẻ hơn rất nhiều so với các phố xung quanh. Trước kia đây là khu đất trống thuộc phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương nằm trước quán Huyền Thiên (sau đổi thành chùa Huyền Thiên). Người dân họp chợ trên hai khu đất ở cạnh chùa Cầu Đông ở phố Hàng Đường và cạnh đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm vì hai khu đất đó gần bến sông, tiện cho thuyền đi lại.
Năm 1889, khi những dấu tích cuối của sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp hoàn toàn, người Pháp quy hoạch lại đã giải tỏa hai chợ trên và dồn tất cả các hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, tạo thành chợ Đồng Xuân. Trong năm đầu tiên chợ họp ngoài trời, hoặc có che mái lá giống như hai chợ cũ.
Năm 1890 chính quyền Pháp mới bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân, tạo thành năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.
Tại đây đã diễn ra các trận chiến ác liệt giữa Vệ quốc quân chống lại lính Lê dương của Pháp, rất nhiều Vệ quốc quân đã hi sinh tại đây trước khi rút khỏi Hà Nội.
Từ sau ngày quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Hà Nội, chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất thành phố này. Vào khoảng năm 1990, chợ được xây dựng lại, phá bỏ hai dãy hai bên, ba dãy giữa xây lên ba tầng. Hai tấm cửa hai bên cũng bị dỡ, nhưng vẫn còn giữ hai cột ngoài cùng.
Năm 1994, chợ Đồng Xuân đã bị hỏa hoạn, lửa thiêu trụi gần như toàn bộ các gian hàng trong chợ. Đây là vụ cháy chợ lớn nhất tại Hà Nội cho đến nay.
Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại với số vốn đầu tư 68 tỉ đồng với 3 tầng có tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² và khoảng 2000 gian hàng kinh doanh.
Dù đến nay đã được tu bổ, chỉnh trang nhưng chợ Đồng Xuân vẫn còn giữ được những nét cổ xưa, độc đáo rất riêng, thu hút rất nhiều khách du lịch mỗi khi đến tham quan Thủ đô Hà Nội, Việt Nam.
4. Tham quan chợ Đồng Xuân
Khi mới đi vào hoạt động, chợ Đồng Xuân chỉ họp theo lối chợ phiên, hai ngày một phiên, nhưng về sau do nhu cầu buôn bán cùng với sự phát triển kinh tế thị trường nên chợ họp hàng ngày từ sáng đến tối.
Nhà chợ là một tòa nhà với 5 vòm cửa, che phủ trên diện tích hơn 6.500 mét vuông. Hãy đi dọc theo những lối đi hẹp để đi xuyên suốt từ đầu đến cuối chợ. Cũng như mọi ngôi chợ Việt Nam khác, chợ được chia thành những gian bán các mặt hàng đa dạng, như quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng và vải Việt Nam với nhiều hoa văn truyền thống.
Các mặt hàng ở đây chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Tầng 2 là khu vực bán buôn bán bẻ quần áo, vải vóc, gấm lụa cho người lớn, còn tầng 3 lại được dành cho các gian hàng bán đồ cho trẻ sơ sinh, trẻ em,…
Như hầu hết mọi ngôi chợ trên cả nước, có rất nhiều thứ thú vị chờ du khách khám phá. Và nhớ xem kỹ nhãn hiệu trước khi mua bất kỳ món hàng có thương hiệu nào. Nhớ trả giá nếu sạp không có bảng thông báo miễn mặc cả.
Nếu được giá thì nên lấy luôn. Bởi vì, hầu hết các mặt hàng giống nhau trong chợ đều có giá niêm yết như nhau. Du khách không phải mất công vòng qua vòng lại nếu đi hết chợ mà không tìm được cái ưng ý như ban đầu. Và hãy nhẹ nhàng, từ tốn khi trả giá để tránh những phiền toái không đáng có.
Chợ Đồng Xuân là ngôi chợ của cư dân địa phương hơn là chợ phục vụ khách du lịch. Tuy tham quan chợ luôn thú vị, hãy nhớ rằng nhiều món hàng sẽ khó có thể mang về bằng đường hàng không hoặc phải ký gửi hành lý. Tuy nhiên, trong chợ có vài sạp bán những sản phẩm thủ công truyền thống hoặc quà lưu niệm và đây có thể là lựa chọn phù hợp cho du khách.
Nếu đi chợ đêm Đồng Xuân thì những sạp hàng này sẽ có nhiều hàng hóa phù hợp để mua làm quà tặng, quà lưu niệm hơn cho du khách. Tốt nhất là nên đi bộ đến phố chợ đêm vào các ngày cuối tuần để tránh kẹt xe, tắc đường.
Chợ khá đông nên du khách nhớ tự bảo quản tư trang cẩn thận, đặc biệt là điện thoại, tiền bạc, giấy tờ tùy thân. Khi vào thử đồ ở sạp hàng nào du khách nhớ kiểm tra lại đồ đạc sau khi rời sạp nhé.
Vé giữ xe khá quan trọng, vì nếu mất thì bạn phải chờ hết xe mới được lấy. Vì thế, du khách nhớ giữ cẩn thận, có thể bỏ vào ví hoặc túi xách, balô.
5. Ẩm thực chợ Đồng Xuân
Nếu như trong chợ là bạt ngàn quần áo, giày dép, vải vóc,… thì ngay cạnh chợ là Ngõ Đồng Xuân – Nơi tập trung rất rất nhiều cửa hàng kinh doanh đồ ăn thức uống dành cho khách ghé chợ. Có vô vàn những món ăn ngon đặc trưng của người Hà Nội được tập trung tại đây, vừa ngon, vừa bổ mà lại cực rẻ mà bạn có thể thưởng thức.
Đặc biệt, nếu ghé chợ đêm Đồng Xuân vào dịp cuối tuần, thì bạn có thể các sạp hàng được bày bán suốt dọc từ Hàng Ngang, Hàng Đào…lên tới chợ Đồng Xuân. Bạn tha hồ thưởng thức những món ăn ngon, những đồ ăn vặt ưa thích và mua cho mình những món đồ ưng ý với giá rất rẻ nữa.
Một vài món ăn quen thuộc mà các bạn sẽ được thưởng thức khi dạo chợ như:
Bánh tôm ở đầu ngõ chợ được đánh giá ngang ngửa với bánh tôm hồ Tây. Tôm đồng chọn loại tươi ngon, khoai thái sợi chân tăm đều tăm tắp, pha trộn cùng nhiều loại bột, men nở rồi chiên lên giòn tan và không ngấm mỡ. Mở đầu bằng đôi chiếc bánh tôm có vẻ cũng vừa vặn cho một bữa ăn vặt, để sau đó còn đi… ăn tiếp các món khác.
Bún chả que tre ở đoạn đối diện với hàng bánh tôm cũng là món nên ăn thử. Đây là một trong những hàng bún chả que tre ngon hiếm hoi còn lại ở Hà Nội. Đặc biệt nhất chính là thịt ba chỉ hoặc chả bọc lá lốt được kẹp vào que tre để nướng. Miếng chả, miếng thịt còn thơm đượm mùi tre mộc mạc, dân dã.
Phở Tíu ở đoạn giữa ngõ chợ đã nổi tiếng từ lâu ở Hà Nội. Đây là món phở rất đặc biệt, kiểu phở trộn chua ngọt với thịt xá xíu không hề ngấy, thêm rau mùi, ít lạc rang, hành khô thơm lừng, cực dễ ăn trong một bữa trưa hè nóng nực. Ngồi đây ăn bát phở Tíu, đôi khi còn thấy nhiều nhóm người nước ngoài ghé vào, có vẻ như cũng rất thích món ăn này rồi!
Bún ốc ở ngõ chợ Đồng Xuân có đôi ba hàng bán. Bạn có thể chọn ăn bún riêu ốc hoặc bún ốc chuối đậu. Bún riêu ốc ngon nhất ở phần nước dùng thơm thơm, chua chua nhẹ. Con ốc béo ngậy, giòn giòn dai dai. Còn bún ốc chuối đậu thì nổi bật với miếng chuối nấu chín tới, miếng đậu rán vàng, thêm chút màu vàng của nghệ thơm thơm.
Các loại bánh ăn vặt cũng không hề ít nhé! Đánh chén no căng cái bụng rồi thì có thể ra mua vài ba chiếc xách lủng lẳng về ăn cho vui miệng. Giữa ngõ có xe bán bánh gio, bánh đúc, bánh xu xê, bánh xoài, hay nếu ra đoạn đầu ngõ thì còn có hàng bánh rán nữa.
Chè chợ Đồng Xuân vốn được truyền tai nhau về món “chè xuka” đầy màu sắc: caramen thơm ngậy, thạch đen, thạch rau câu, long nhãn ngọt lịm, thạch lựu đỏ, trân châu… rồi rưới thêm nước cốt dừa thơm nức. Nếu “còn bụng” thì cũng nên ăn thử thêm cốc chè cho ngọt giọng.
Bài viết trên của tạp chí du lịch đã giới thiệu đến độc giả đôi nét về chợ Đồng Xuân ở Hà Nội hy vọng bạn sẽ có một chuyến tham quan mua sắm thú vị với nhiều kỉ niệm đáng nhớ nhé!