10 đặc sản Quảng Bình làm du khách mê mệt

966

Quảng Bình không chỉ có bờ biển Nhật Lệ hay động Thiên Đường mà còn có một nền ẩm thực phong phú khiến du khách mê mệt đặc biệt là 10 đặc sản Quảng Bình dưới đây.

Các đặc sản Quảng Bình:

1. Bánh khoái Đồng Hới

Nhắc đến ẩm thực của thành phố hoa hồng mang tên Đồng Hới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một món đặc sản mang cái tên vô cùng độc đáo mang tên bánh khoái. Mình là một tín đồ của các loại bánh chiên nên món ăn này đã mê hoặc được mình ngay từ lần đầu thưởng thức, không những bánh ngon mà nước chấm bánh ăn kèm cũng rất đậm đà và “nịnh miệng”. Các bạn cùng tìm hiểu về món ăn độc đáo này nhé.

Về cơ bản, bánh khoái có nhiều nét giống bánh xèo ở miền Nam, còn mình thấy bánh cũng khá giống bánh gối ở ngoài Bắc (nhưng nhân không có miến nên mình thích hơn nhiều). Bánh khá to, phần vỏ bánh giòn, cách chế biến cũng cầu kỳ hơn và đặc biệt, bát nước chấm được pha chế theo nhiều hương vị khác nhau.

10 đặc sản Quảng Bình làm du khách mê mệt
10 đặc sản Quảng Bình làm du khách mê mệt

2. Khoai gieo

Khoai lang là món ăn dân dã, quen thuộc với người dân mỗi vùng miền từ khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ bình dân đến sang trọng như khoai nướng, khoai chiên, khoai luộc, khoai nấu canh, khoai nấu chè, khoai làm bánh, làm mứt… Nhưng khoai gieo thì không phải ai cũng biết đến. Đó là đặc sản mà chỉ Quảng Bình mới có.

3. Sò huyết Sông Roòn

Quảng Bình có nguồn hải sản rất phong phú, trong đó nổi bật phải kể đến sò huyết bắt ở sông Roòn. Theo mình cảm nhận thì sò huyết ở đây khá to, thịt chắc và thơm. Các bạn cùng tìm hiểu về món ăn này nhé.

Sông Roòn thuộc địa phận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, được bắt nguồn từ núi Động Mưa (thuộc lũy Hoành Sơn), chảy xuống xã Quảng Châu, qua thị trấn Ba Đồn thì đổ ra cửa Cảnh Dương (hay còn gọi là cửa Ròn). Con sông này nổi tiếng với loài sò huyết hảo hạng và đặc biệt thơm ngon. Chỉ ở khúc sông này mới có sò huyết ngon như vậy vì đây là nơi giao hòa giữa hai dòng nước ngọt tinh khiết (chảy từ đập Vực Tròn về) và dòng nước mặn chảy từ biển Đông lên.

4. Bánh bột lọc Quảng Bình

Người dân Quảng Bình đã “thổi hồn” vào bánh bột lọc Huế và tạo ra một đặc sản riêng cho vùng đất đầy nắng và gió này. Bánh bột lọc được làm từ bột sắn lọc, tôm sông, mộc nhĩ cùng chút gia vị đơn giản. Sau khi bọc bột bánh với tôm, vắt thành hình tai bèo nhỏ xinh, bánh được nhúng nước sôi để ăn liền, hoặc được gói lá chuối và đồ lên như đồ xôi cho những người mang đi xa. Ở Quảng Bình thì chỉ cần vài chục nghìn thôi là bạn có thể thoả thích ăn no nê một “chầu” bánh lọc bột thơm dẻo!

5. Rượu cần của người Ma Coong

Từ lâu, rượu cần đã đi vào đời sống sinh hoạt của những người Ma Coong sinh sống vùng Thượng Trạch, Bố Trạch như một nét văn hóa đặc sắc. Mình chưa có dịp được thưởng thức rượu cần Ma Coong, tuy mới chỉ được nghe người dân giới thiệu nhưng mình muốn giới thiệu đến các bạn món quà dân dã này. Nếu bạn đến đúng vào dịp lễ hội đập trống của người Ma Coong (15 và 16 tháng Giêng, âm lịch hàng năm) thì các bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức.

Người Ma Coong ở Quảng Bình cũng có phong tục làm và uống rượu cần trong những dịp trọng đại, tuy nhiên cách chế biến và nghi lễ uống rượu đã trở thành nét bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của người bản xứ. Rượu cần Ma Coong có hương vị thơm dịu hòa lẫn chút cay nồng, không đậm như rượu đế. Để có được hũ rượu cần thơm ngon dâng cúng trong những ngày lễ thì người làm rượu rất chú trọng tới nguyên liệu làm rượu, men rượu, cần uống và ché rượu. Bởi lẽ đó, ché rượu như vật quý giá trong gia tài của người Ma Coong. Mỗi một ché rượu có hình bầu dục giống cái chum, nhưng nhỏ hơn, màu đen nâu, láng bóng.

6. Mắm Ruốc

Con ruốc là loài giáp xác 10 chân, dạng như con tôm nhỏ, chỉ lớn 1-4cm. Người trong Nam gọi “tép” nhỏ, người Hà Tĩnh gọi “moi”, người miền Trung gọi “khuyết”.Ruốc là loại sinh vật nhỏ bé, giống như hạt cát, có màu nâu đỏ và mùi tanh của tôm cá. Đây là đặc sản không dễ có ở những vùng quê khác. Ở vùng cửa biển Nhật Lệ, ruốc tháng sáu ngon nhất. Ngạn ngữ Đồng Hới nói: “Ruốc tháng Sáu là máu rồng”. Đó là một cách nói ẩn dụ, hàm ý rằng ruốc tháng sáu quý hiếm vì ít năm ruốc tràn về trong tháng Sáu và đối với người Việt chúng ta, cái gì thuộc về rồng, phượng đều mang ý nghĩa tốt, đẹp, hiếm quý; đồng thời ngạn ngữ này cũng mang ý nghĩa so sánh: ruốc tháng Sáu làm ra đỏ như máu rồng. Thế là theo dân gian, ruốc tháng Sáu ngon quý về chất, đẹp về màu sắc.

7. Cháo Canh Quảng Bình

Cháo canh là một món ăn có thể gọi là đặc trưng của Quảng Bình, bất cứ ai là người Quảng Bình đều rất thích món ăn này, nó là hương vị quê hương, giống như là Phở với người Hà Nội

Trong tô cháo canh là sự kết hợp của cá, tôm, thịt heo nạc… Trong đó, cá lóc là nguyên liệu không thể thiếu. Cá lóc sau khi luộc sẽ được bóc lấy thịt, xào lên, nêm vừa gia vị rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục. Những lát hành, ngò thái mỏng sẽ được rắc đều lên mỗi tô cháo canh đang bốc hơi nghi ngút để vội bưng đến cho khách thưởng thức.

8. Nước mắm Bảo Ninh

Xã Bảo Ninh là một xã vùng biển của thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), có nghề truyền thống làm nước mắm lâu đời. Người Bảo Ninh tự hào có nhiều đặc sản biển. Nhưng họ tự hào nhất vẫn là nước mắm từ con cá nục mu. Người trong vùng truyền tai nhau câu thơ: “Nguyên chất nước mắm nục mu/Một thìa giá trị bằng mâm cỗ đầy”. Nục mu là loài cá nhỏ như ngón tay, toàn thân là thớ thịt nạc mềm mại. Lúc làm nước mắm, chỉ mới trộn muối thôi đã thấy rỉ nước huyết đỏ hồng ra ngập cả cá. Loại nước mắm này vừa thơm, vừa ngọt, màu sắc sánh như mật ong thượng hạng.

9. Đặc sản Đẻn biển

Đặc biệt, du khách còn được giới thiệu một trong những món hải sản tươi ngon, bổ dưỡng và được coi là độc chiêu, đó chính là đẻn biển. Có thể nói, món ăn này đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở và chúng tôi tin rằng, khi thưởng thức đẻn biển, ngay bản thân người bản địa cũng sẽ thấy tự hào với những đặc sản lạ và ngon đến bất ngờ. Đẻn biển được chế biến nhiều món ngon như hầm củ quả, xào sả ớt, băm nhỏ xúc bánh tráng, nấu cháo… nhưng món đẻn ở thành phố Đồng Hới được nhiều người biết đến nhất là tiết đẻn pha rượu trắng và ram đẻn.

10. Cá nghéo bao tử

Cá bao tử thường rất hiếm khi bắt được nên người dân thường để dành để nấu ăn chứ không bán ra thị trường. Loại cá này thịt rất ngon, gan béo, lớp da nhám và tanh nhưng khi được cạo đi thì lộ ra lớp thịt trắng như bông trông rất đẹp mắt. Thường thì cá nghéo được dùng làm gỏi, tuy nhiên cũng có người lại thích kho với nghệ hoặc gừng để bồi bổ sức khỏe. Muốn kỳ công hơn, người ta sẽ lọc thịt hai bên cá để làm lẩu cá.

Bài viết trên đã giới thiệu đến độc giả 10 món đặc sản Quảng Bình mà khách du lịch vô cùng ưa thích. Nếu độc giả bỏ sót bất kì món nào trong danh sách này thì sẽ thật đáng tiếc đấy!